Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

CHIẾT TỰ CHỮ "BAN" (班):

“班” nghĩa gốc là “phân ngọc”, tức là chia miếng ngọc thành hai mảnh dùng làm tín vật. “Thuyết Văn” giải thích : “Ban, phân thụy ngọc.” (Ban, tức là phân ngọc bích ra). Chữ THỤY “瑞” ở đây là tên chung của ngọc khuê, ngọc bích ngày xưa dùng để làm tin. Hình chữ “班” trong cả Kim văn và Tiểu triện cơ bản đều giống nhau, ở giữa là một con dao, ở đây nó có nghĩa là dụng cụ để tách ngọc bích; hai bên chữ "班" là hai chữ “玉”, “玉” vốn là chữ tượng hình miêu tả các mảnh ngọc được xâu thành một chuỗi bằng một sợi dây. Ngọc ở cả hai mặt của con dao biểu thị rằng nó đã được chia thành hai. Mặc dù chữ Lệ thư đã cố gắng thay đổi các đặc điểm của nét chữ trong các bản khắc trước, chữ "刀" vẫn để lại dấu vết của các nét vẽ cổ đại.
BAN 班 nghĩa gốc là chia ngọc. Ngày xưa giữa hai nước chư hầu thường có tục chia ấn ngọc thành hai phần, mỗi bên giữ một phần để làm tín vật. Sau này những thứ được ban phát hoặc chia ra như lớp học, ca làm việc, nhóm công tác, đoàn thể nhỏ trong nghề nghiệp, đơn vị nhỏ trong quân đội cũng gọi là BAN, chính là noi theo nghĩa đó. Ở nét nghĩa này, BAN 班 thông nghĩa với chữ BAN 頒 cũng có nghĩa là ban phát, cả hai chữ này thỉnh thoảng trong một số trường hợp có thể dùng thay thế cho nhau được.
BAN còn có nghĩa bày, trải ra. Như: “ban kinh” 班荊 là trải chiếu kinh ra đất để ngồi. Sở Thanh Tử 楚聲子 gặp Ngũ Cử 伍舉 trên đường, lấy cành cây kinh ra ngồi nói chuyện gọi là “ban kinh đạo cố” 班荊道故 (trải cành kinh nói chuyện cũ).
Ngôi, thứ, hàng cũng gọi là BAN. Chỗ công chúng tụ hội, chia ra từng ban để phân biệt trên dưới gọi là BAN. Cùng hàng với nhau gọi là “đồng ban” 同班.

⭐⭐⭐

Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

CHIẾT TỰ CHỮ "QUÝ" (季):

 


QUÝ 季 là xếp hạng cuối theo thứ tự người được giải trong các cuộc thi tài, chẳng hạn nhà vô địch đạt huy chương vàng là QUÁN QUÂN 冠軍, người đứng thứ hai được huy chương bạc là Á QUÂN 亞軍, người cuối đạt huy chương đồng là QUÝ QUÂN 季軍 (ĐIỆN QUÂN 殿軍 là hạng Tư, không có Huy chương, ta còn gọi là giải khuyến khích). Chữ QUÝ 季 ở đây có nghĩa là “cuối”, cũng có nghĩa là “còn non”, “còn kém” hơn những người xếp trên. "Thuyết văn giải tự" giải thích chữ QUÝ 季 như sau: "Quý, thiểu xứng dã." (Quý, tức là còn non). Chữ QUÝ chính là chữ gốc của chữ TRĨ 稚 trong từ “ấu trĩ”. Nghĩa gốc của “季” là “cây lúa non”. Hình chữ QUÝ trong Giáp cốt văn bao gồm bộ HÒA 禾 và chữ TỬ 子 tạo thành, chỉ cây lúa còn non. Sau này được mở rộng thành các nghĩa “người trẻ tuổi”, “còn nhỏ”, “cuối”, “út”, v.v.

Ngày xưa, thứ tự anh em từ lớn tới nhỏ xếp theo: “bá, trọng, thúc, quý” 伯, 仲, 叔, 季. Tuổi nhỏ nhất gọi là “quý”.
Tháng cuối mùa cũng gọi là quý. Như tháng ba gọi là tháng quý xuân 季春. Ðời cuối cùng cũng gọi là quý thế 季世. Chữ “季” trong các ví dụ trên đều mang nghĩa là “cuối”, “út”.
Chữ QUÝ 季 cũng được dùng làm lượng từ chỉ đơn vị thời gian bằng ba tháng, tức là một mùa. Ba tháng là một quý, nên bốn mùa cũng gọi là tứ quý 四季, như “xuân quý” 春季 là mùa xuân, “hạ quý” 夏季 là mùa hè.
Từ nghĩa chỉ thời gian là Mùa (3 tháng một), “季” lại được mở rộng để chỉ một thời kì cố định trong năm. Như: “hoa quý” 花季 là mùa hoa, “vũ quý” 雨季 là mùa mưa, “vượng quý” 旺季 là mùa vượng, mùa mua may bán đắt,…
*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

Phân tích chữ THỪA 承 và tìm hiểu về các từ : GIAO THỪA, THỪA SAI, PHỤNG THIÊN THỪA VẬN,...

 


Chữ THỪA trong từ “thừa kế” viết là “承”. Cần phân biệt chữ này với hai chữ THỪA khác: chữ THỪA 乘 trong từ “thừa cơ” và chữ THỪA 丞 trong từ “thừa tướng”, “huyện thừa”. Bởi ba chữ này có hình thái tương đối giống nhau (乘, 承, 丞), có thể gây nhầm lẫn cho người học, cho nên, việc tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của từng chữ là hết sức cần thiết, nó giúp người học có thể phân biệt từng chữ một cách dễ dàng.
Chữ THỪA 承 (chéng) là một chữ Hội ý, Giáp cốt và Kim văn rõ ràng là hình ảnh hai bàn tay ở dưới đang đỡ lấy một người ở phía trên; Tiểu triện lại thêm một bàn tay nữa. Nghĩa gốc của THỪA 承 này là “bưng lên”, “nâng lên”, sau đó lại mở rộng ra các nghĩa: “tiếp nhận”, “kế thừa” “tiếp tục”, v.v.
Chữ THỪA 承 ngày nay chủ yếu được dùng với nghĩa là Vâng theo, là Chịu, là Nhận lấy, là Tiếp thu. Người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy gọi là THỪA. Như “thừa vận” 承運 là chịu chịu vận trời, thừa ân 承恩 là chịu ơn,...
PHỤNG THIÊN THỪA VẬN 奉天承運: là vâng theo mệnh Trời và vâng theo thời vận. Đây là bốn chữ khởi đầu trong tờ chiếu của vua nhà Thanh bên Tàu. Các vua của nước ta, khi ra chiếu thường dùng bốn chữ: Thừa Thiên hưng vận.
KẾ THỪA 繼承: là thừa hưởng tài sản và sự nghiệp của người trước đã qua đời để lại.
THỪA HÀNH – THỪA LỆNH 承行 - 承令: là vâng lịnh cấp trên mà làm.
THỪA SAI 承差: là vâng lệnh thi hành những nhiệm vụ mà bề trên sai truyền xuống. Từ này thường được dùng để chỉ vị Chức sắc thuộc hàng giáo phẩm cao cấp được Giáo hội Công giáo trung ương ở La Mã cử làm Đại diện cho Giáo hội đi giải quyết các vấn đề quan trọng đối với các Giáo hội khác.
THỪA còn có nghĩa là Nối dõi, là Kế tục. Như trong các từ:
THỪA KẾ 承繼: có nghĩa là kế tục, tiếp tục. Đây cũng là từ dùng để chỉ thủ tục làm sau khi người chết, đem chuyển tài sản, quyền lợi hoặc địa vị (của người đã chết) cấp cho người khác.
GIAO THỪA 交承 là thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, tức là thời điểm chấm dứt năm cũ và bắt đầu năm mới.
Đối với dương lịch, Giao thừa là lúc 24 giờ đêm 31 tháng 12 của năm cũ, tức là 0 giờ ngày 1 tháng 1 của năm mới. Đối với âm lịch, Giao thừa là lúc cuối giờ Hợi của đêm 30 tháng chạp (hoặc đêm 29 khi tháng chạp thiếu) của năm cũ, tức là đầu giờ Tý của ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới.
******
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

CHIẾT TỰ CHỮ "DŨNG" (勇)

    


Chữ DŨNG 勇 nguyên được viết là “甬”, vốn dùng để chỉ cái chuông bằng kim loại, là một trong những pháp khí không thể thiếu trong các lễ nghi cổ xưa. Hình dạng chữ trong Kim văn rõ ràng là hình ảnh của một cái chuông lớn. Phần trên là chỏm có khuyên dùng để treo chuông, phần dưới là thân chuông và nét ngang ở giữa là hoa văn trang trí. Chữ "勇" được thêm bộ "力 " phía dưới, ngụ ý là nâng chuông lên bằng lực của cánh tay . Bởi vì chuông được làm bằng đồng hoặc sắt, nó rất nặng, cho nên, “勇” cũng có nghĩa là “mạnh” hay “có sức mạnh” . Một số dị bản khác thêm "心" vào “甬” thành "恿”, nhấn mạnh rằng lòng can đảm được sinh ra từ trái tim. Các di bản khác nữa lại thêm "戈 " thành “㦷” để thể hiện sự dũng cảm trong chiến đấu.

DŨNG 勇 có nghĩa là mạnh, có sức mạnh. Như vẻ mạnh mẽ cứng rắn gọi là VŨ DŨNG武勇 , người dùng sức mạnh để giúp người gọi là DŨNG SĨ 勇士, .v.v
Mạnh dạn, gan tợn hơn người cũng gọi là DŨNG 勇, như gan góc mạnh bạo, việc nguy hiểm gì cũng không chùn bước gọi là DŨNG CẢM勇敢, Tinh thần mạnh mẽ, không lùi bước, không biết sợ gọi là DŨNG KHÍ 勇氣, v.v.
*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

CHIẾT TỰ CHỮ "KHÍ" (棄):


Nghĩa gốc của chữ KHÍ 棄 liên quan đến tập tục vứt bỏ đứa con trai đầu lòng. Hình chữ KHÍ trong Giáp cốt văn miêu tả hai bàn tay cầm cái ky hất một đứa bé ra ngoài. Chữ khắc bằng đồng và Tiểu triện tuy có các nét vẽ khác nhau, nhưng các ký tự cơ bản đều miêu tả cảnh đứa trẻ bị vứt ra ngoài từ cái ky cầm tay. Lệ thư phần dưới là hình hai bàn tay biến đổi thành hình chữ “木”, và được viết thành “棄”, trở thành văn bản hiện đại.
Ý nghĩa ban đầu của “棄” là vứt bỏ đứa con trai đầu lòng, điều này đã được chứng minh bởi những cơ sở lịch sử văn hóa. Một nhà báo có tên là Cầu Tích Khuê từng viết một bài báo nổi tiếng có tên là "sát thủ tử giải" 杀首子解 (giải thích về tục vứt bỏ con trai đầu). Bài báo tin rằng ở miền nam Trung Quốc và một số bộ lạc ở châu Âu, con trai cả đã từng bị vứt bỏ. Lý do là khi loài người bước vào xã hội phụ hệ, tài sản tư hữu của cá nhân đã hình thành, thế là sảy ra vấn đề kế thừa tài sản, phải đảm bảo tài sản do con trai ruột kế thừa, xét theo tình trạng hôn nhân và khoa học thời bấy giờ, con trai đầu tiên sau khi kết hôn không thể xác nhận được là con ruột, người xưa bèn áp dụng hai cách để xử lý: một là vứt bỏ hai là ăn thịt. Mặc dù phụ nữ thời này rất coi trọng trinh tiết, các cô gái xuất giá hầu như đều là trinh nữ, tuy nhiên, để chắc chắn, những đứa bé trai đầu lòng vẫn phải bị loại bỏ. Người ta thường chọn cách vứt bỏ thay vì ăn thịt, vì so với việc giết chóc, bỏ rơi một đứa trẻ có vẻ ít dã man hơn. Tổ tiên của người Chu là Hậu Tắc mang tên Khí, chính là đứa con bị vứt bỏ. Trong bài “Thiên vấn”, Khuất Nguyên viết: “Tắc duy nguyên tử, Đế hà trúc chi? Đầu chi vu băng thượng, điểu hà úc chi? (Nghĩa là: Tắc là con đầu, sao nhà vua lại ghét bỏ, ném ông trên băng lạnh, chim sóc làm sao có thể ủ ấm?) “Nguyên tử” ở đây tức là đứa con trai đầu.
*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

CHIẾT TỰ CHỮ "TỬ" (死):

 

Chữ TỬ 死 (sǐ) là một chữ Hội Ý. Trong các dạng cổ văn, chữ 死 mô tả hình ảnh một người quỳ gối khóc thương trước di cốt của người đã chết, theo quá trình diến tiến biến đổi dần thành hình thể như ngày nay. Chữ 死 ở khải thư là hội hợp của hai bộ 歹 và 匕. NGẠT 歹 là hình ảnh của hộp sọ có vết nứt, tượng trưng cho bộ xương người chết, trong khi 匕 biểu thị cho người quỳ gối khóc thương, nên 死 có nghĩa là chết hay sự chết.

TỬ là CHẾT, là trái với SINH, là Không còn sinh khí nữa, kể cả Sinh Thực Vật cũng thế!
Ngoài nghĩa TỬ VONG 死亡 là Chết Chóc ra, ta còn có ...
TỬ CẢNH 死景 : là Cảnh chết, cảnh giả không sinh động.
TỬ GIÁC 死角 : là Góc chết, là Cái thế không có lối ra.
TỬ LỘ 死路 : là Con đường chết, con đường không có lối thoát.
TỬ còn có nghĩa là Cố Chấp, Kiên Trì, như ...
TỬ THỦ 死守, TỬ CHIẾN 死戰, TỬ TÂM 死心 : Cố chấp giữ vững lòng mình, quyết không thay đổi!
*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

CHIẾT TỰ CHỮ "ĐIỂN" (典):

 

Chữ ĐIỂN viết là “典”, thuộc dạng chữ Hội ý. Trong Giáp cốt văn chữ ĐIỂN được miêu tả bằng hình ảnh hai tay dâng sách rất kính cẩn, ngụ ý đây là văn kiện hay loại tài liệu gì đó rất quan trọng. Nghĩa gốc là của ĐIỂN 典 là sách vở, các nghĩa phái sinh là “chuẩn mực”, “phép tắc”, v.v…
ĐIỂN 典 là sách, sách ở đây là chỉ các kinh sách trọng yếu của người xưa để lại. Ban đầu, khi nói đến ĐIỂN 典 tức là chỉ “Tam phần ngũ điển 三 墳 五 典”. Tam phần là sách của Tam Hoàng như Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Ngũ điển là sách của Ngũ Đế tức Thiếu Hiệu, Xuyên Húc, Cao Tân, Đường, Ngu. Về sau ĐIỂN được dùng để chỉ chung cho các kinh sách thời xưa.
ĐIỂN 典 còn dùng để chỉ những câu chuyện cũ, sự cũ, như sách ghi các sự cũ gọi là cổ điển 古典. Với nét nghĩa này ta còn có…
ĐIỂN CỐ - ĐIỂN TÍCH典故 - 典跡 là chỉ những việc có chép trong các sách vở thời xưa, được cô đọng lại trong một từ ngữ hay một thành ngữ để nói lên ý nghĩa của chuyện đó. Văn học cổ thường dùng rất nhiều Điển tích hay Điển cố. Nếu không biết được Điển tích thì không thể hiểu được ý nghĩa của câu văn hay câu thơ ấy một cách tường tận được.
ĐIỂN 典 cũng dùng để chỉ những Sách được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn, phép tắc để mọi người có thể noi theo. Như:
TỪ ĐIỂN – TỰ ĐIỂN 詞(辭)典 - 字典 là sách giải thích ý nghĩa, từ nguyên, cách dùng, cách phát âm, và thường kèm theo các ví dụ về cách sử dụng từ đó.
Chữ TỪ ĐIỂN, Hán văn có 2 cách viết là 詞典 hay 辭典. Hai cách viết nầy đều đồng nghĩa. TỪ ĐIỂN là bộ sách để tra nghĩa của từng nhóm chữ còn TỰ ĐIỂN là bộ sách để tra nghĩa của từng chữ một.
Từ điển bao gồm việc giải nghĩa các thành ngữ, điển tích
và các từ ghép. Việc giải nghĩa nầy phải đi từ việc giải nghĩa
từng chữ một, rồi sau đó mới giải nghĩa cả thành ngữ. Cho
nên: TỪ ĐIỂN cũng là TỰ ĐIỂN.
KINH ĐIỂN 經典là những kinh sách ghi chép các sự việc xưa và các phép tắc đời xưa, để làm khuôn mẫu cho đời sau học tập và bắt chước noi theo.
*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ SƠ (初):





















Nghĩa gốc của "初" là bắt đầu việc may quần áo. Thời xa xưa, con người không có quần áo, để lấy ấm cho mình, họ thường dùng dao lột da thú và quấn quanh người. "Thuyết Văn Giải Tự" giải thích: " Sơ, thủy dã. Tòng đao, tòng y. Tài y thủy dã.” (Nghĩa là: Sơ, tức là bắt đầu. Là chữ hội ý bởi bộ Đao và bộ Y. Sơ tức là bắt đầu bằng việc cắt áo). Quan sát quá trình diễn tiến của chữ viết ta thấy rằng: Từ Giáp cốt, Kim văn và diễn biến của chữ về sau này đều là hình ảnh một con dao (刀) đặt cạnh một chiếc áo (衣), diễn tả việc dùng dao để cắt quần áo. Vì cắt áo là bước đầu tiên phải làm để có thể hoàn thành một chiếc áo, cho nên SƠ có nghĩa là “bắt đầu” hay “ban đầu”. Từ nghĩa gốc này, theo quá trình phát triển của văn tự, SƠ được mở rộng ra các nghĩa như “bổn lai” (vốn), “thời xưa”, “vừa mới”, v.v.

*****
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage hoặc zalo 0974922282.