Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

CHIẾT TỰ CHỮ "BAN" (班):

“班” nghĩa gốc là “phân ngọc”, tức là chia miếng ngọc thành hai mảnh dùng làm tín vật. “Thuyết Văn” giải thích : “Ban, phân thụy ngọc.” (Ban, tức là phân ngọc bích ra). Chữ THỤY “瑞” ở đây là tên chung của ngọc khuê, ngọc bích ngày xưa dùng để làm tin. Hình chữ “班” trong cả Kim văn và Tiểu triện cơ bản đều giống nhau, ở giữa là một con dao, ở đây nó có nghĩa là dụng cụ để tách ngọc bích; hai bên chữ "班" là hai chữ “玉”, “玉” vốn là chữ tượng hình miêu tả các mảnh ngọc được xâu thành một chuỗi bằng một sợi dây. Ngọc ở cả hai mặt của con dao biểu thị rằng nó đã được chia thành hai. Mặc dù chữ Lệ thư đã cố gắng thay đổi các đặc điểm của nét chữ trong các bản khắc trước, chữ "刀" vẫn để lại dấu vết của các nét vẽ cổ đại.
BAN 班 nghĩa gốc là chia ngọc. Ngày xưa giữa hai nước chư hầu thường có tục chia ấn ngọc thành hai phần, mỗi bên giữ một phần để làm tín vật. Sau này những thứ được ban phát hoặc chia ra như lớp học, ca làm việc, nhóm công tác, đoàn thể nhỏ trong nghề nghiệp, đơn vị nhỏ trong quân đội cũng gọi là BAN, chính là noi theo nghĩa đó. Ở nét nghĩa này, BAN 班 thông nghĩa với chữ BAN 頒 cũng có nghĩa là ban phát, cả hai chữ này thỉnh thoảng trong một số trường hợp có thể dùng thay thế cho nhau được.
BAN còn có nghĩa bày, trải ra. Như: “ban kinh” 班荊 là trải chiếu kinh ra đất để ngồi. Sở Thanh Tử 楚聲子 gặp Ngũ Cử 伍舉 trên đường, lấy cành cây kinh ra ngồi nói chuyện gọi là “ban kinh đạo cố” 班荊道故 (trải cành kinh nói chuyện cũ).
Ngôi, thứ, hàng cũng gọi là BAN. Chỗ công chúng tụ hội, chia ra từng ban để phân biệt trên dưới gọi là BAN. Cùng hàng với nhau gọi là “đồng ban” 同班.

⭐⭐⭐

Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét