Chữ THỪA trong từ “thừa kế” viết là “承”. Cần phân biệt chữ này với hai chữ THỪA khác: chữ THỪA 乘 trong từ “thừa cơ” và chữ THỪA 丞 trong từ “thừa tướng”, “huyện thừa”. Bởi ba chữ này có hình thái tương đối giống nhau (乘, 承, 丞), có thể gây nhầm lẫn cho người học, cho nên, việc tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của từng chữ là hết sức cần thiết, nó giúp người học có thể phân biệt từng chữ một cách dễ dàng.
Chữ THỪA 承 (chéng) là một chữ Hội ý, Giáp cốt và Kim văn rõ ràng là hình ảnh hai bàn tay ở dưới đang đỡ lấy một người ở phía trên; Tiểu triện lại thêm một bàn tay nữa. Nghĩa gốc của THỪA 承 này là “bưng lên”, “nâng lên”, sau đó lại mở rộng ra các nghĩa: “tiếp nhận”, “kế thừa” “tiếp tục”, v.v.
Chữ THỪA 承 ngày nay chủ yếu được dùng với nghĩa là Vâng theo, là Chịu, là Nhận lấy, là Tiếp thu. Người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy gọi là THỪA. Như “thừa vận” 承運 là chịu chịu vận trời, thừa ân 承恩 là chịu ơn,...
PHỤNG THIÊN THỪA VẬN 奉天承運: là vâng theo mệnh Trời và vâng theo thời vận. Đây là bốn chữ khởi đầu trong tờ chiếu của vua nhà Thanh bên Tàu. Các vua của nước ta, khi ra chiếu thường dùng bốn chữ: Thừa Thiên hưng vận.
KẾ THỪA 繼承: là thừa hưởng tài sản và sự nghiệp của người trước đã qua đời để lại.
THỪA HÀNH – THỪA LỆNH 承行 - 承令: là vâng lịnh cấp trên mà làm.
THỪA SAI 承差: là vâng lệnh thi hành những nhiệm vụ mà bề trên sai truyền xuống. Từ này thường được dùng để chỉ vị Chức sắc thuộc hàng giáo phẩm cao cấp được Giáo hội Công giáo trung ương ở La Mã cử làm Đại diện cho Giáo hội đi giải quyết các vấn đề quan trọng đối với các Giáo hội khác.
THỪA còn có nghĩa là Nối dõi, là Kế tục. Như trong các từ:
THỪA KẾ 承繼: có nghĩa là kế tục, tiếp tục. Đây cũng là từ dùng để chỉ thủ tục làm sau khi người chết, đem chuyển tài sản, quyền lợi hoặc địa vị (của người đã chết) cấp cho người khác.
GIAO THỪA 交承 là thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, tức là thời điểm chấm dứt năm cũ và bắt đầu năm mới.
Đối với dương lịch, Giao thừa là lúc 24 giờ đêm 31 tháng 12 của năm cũ, tức là 0 giờ ngày 1 tháng 1 của năm mới. Đối với âm lịch, Giao thừa là lúc cuối giờ Hợi của đêm 30 tháng chạp (hoặc đêm 29 khi tháng chạp thiếu) của năm cũ, tức là đầu giờ Tý của ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới.
******
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin vui lòng inbox fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ hoặc zalo 0974922282.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét