Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

CHIẾT TỰ CHỮ HÁN "TỬU" (酒)


Chữ TỬU 酒 là chữ hội ý kiêm hình thanh kết cấu trái phải, Bao gồm bộ THỦY 氵 (nước) bên trái và Chữ DẬU 酉 bên phải hợp thành. Thực ra chỉ riêng chữ DẬU 酉 đã mang nghĩa là rượu (chữ dậu sau này được dùng là một trong thập nhị chi), khi kết hợp với bộ THỦY 氵 càng làm rõ tính chất vật lý của rượu là một loại chất lỏng. Chữ DẬU 酉 vốn là chữ tượng hình vẽ lại bình rượu bên trong chữa lưng chừng rượu. Với tư cách là bộ thủ biểu nghĩa tạo chữ hán (trong chữ 酒 còn biểu thị âm đọc), bộ DẬU có nghĩa là rượu hoặc những gì liên quan đến rượu. Nó xuất hiện trong chữ TỈNH 醒 (tỉnh táo), đồng thời cũng xuất hiện trong chữ TÚY 醉 (say). Điều đó đã phản ánh tính chất hai mặt của rượu. Rượu có thể làm cho người ta say, cũng có thể làm người ta tỉnh. Chính vì vậy rượu trong đời sống xã hội cũng có tính hai mặt. Đối với tín ngưỡng, tế lễ , thờ cúng thì phi tửu bất thành lễ (tế lễ nhất thiết phải có rượu). Bạn bè giao lưu lấy rượu làm chất xúc tác để thổ lộ nỗi niềm tri âm. Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu (bạn bè tri âm lâu ngày gặp nhau, uống ngàn chén e còn chưa đủ). Rượu xuất hiện trong những buổi tiệc chia li, khắc sâu niềm thương nhớ, thể hiện lòng nhiệt thành của người ở lại với người ra đi. Rượu là người bạn giải sầu khi thất bại, mặc dù càng uống càng tỉnh càng thấm thía, lại càng buồn thêm. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu. Rượu cũng làm cho niềm vui nhân đôi mỗi khi thành công, được bạn bè, người thân nâng cốc chúc mừng. Ngoài ra còn hàng loạt chữ khác như chữ TÙ 酋 (bình đựng rượu lâu năm, sau chuyển thành nghĩa người đứng đầu bộ lạc – Tù Trưởng). Chữ THÙ 酬 (nâng chén đáp lại người), TẠC 酢 (nâng chén mời người)… đều liên quan đến rượu. Điều đó chứng tỏ ở Trung Quốc đã có một nên văn hóa rượu từ lâu đời.


*** Nội dung bài viết được trích xuất từ Ebook BÍ QUYẾT CHIẾT TỰ CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage https://www.facebook.com/vuihocchuhan/ biên soạn. Bạn nào cần mua tài liệu dạng này xin inbox fanpage hoặc zalo 0974922282.****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét